Tóm tắt nội dung
1/ Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỉ X – XIV là công trình sử học mang nhiều giá trị. Bắt đầu bằng việc trình bày bối cảnh lịch sử, mô tả sự suy tàn của nhà Đường và các cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh địa phương, đặc biệt là Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, mở đầu thời kì độc lập tự chủ của Đại Việt sau gần 1000 năm Bắc thuộc.
Với tầm nhìn tri thức của mình, Polyakov đi sâu phân tích cặn kẽ quá trình xây dựng nhà nước tự chủ về các mặt chính trị, kinh tế và văn hóa của các triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, đặc biệt thời kì thịnh trị của nhà Lý và Trần. Ông nhấn mạnh sự phát triển của hệ thống hành chính, luật pháp và nền kinh tế nông nghiệp, đây là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Kết hợp với sự trình bày khéo léo về phát triển giáo dục, tôn giáo, người đọc sẽ nhận ra bức tranh toàn diện về sự phát triển của Đại Việt thế kỉ X – XIV.
Với phong cách ngôn ngữ tường minh, lôi cuốn, dễ hiểu, kết hợp với nguồn tài liệu phong phú, đây không chỉ là tài liệu học thuật mà còn là câu chuyện hấp dẫn về sự kiên cường, sáng tạo và lòng tự hào dân tộc, nhắc nhở chúng ta về những giá trị văn hóa truyền thống cần gìn giữ, phát huy.
Sự Phục hưng của nước Đại Việt thế Kỉ X – XIV đã góp thêm những góc nhìn mới về một giai đoạn lịch sử sáng chói của dân tộc, mang đậm dấu ấn cá nhân độc đáo của một nhà sử học nước ngoài khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam.
2/ Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII là một công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc và có giá trị về cấu trúc gia đình truyền thống Việt Nam trong mối quan hệ giữa gia đình với làng và Nhà nước – pháp luật.
Căn cứ khoa học chủ yếu của tác giả là bộ Quốc triều hình luật hay Bộ Luật Hồng Đức, một bộ luật hoàn chỉnh và còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến nay. Bộ luật được xây dựng trong thời Lê sơ, từ triều vua Lê Thái Tổ đến triều vua Lê Thánh Tông và được thực thi cho đến thế kỷ XVII-XVIII, với một số bổ sung và điều chỉnh nhất định.
Tác giả đã xác định một hướng nghiên cứu rất cơ bản và đúng đắn là muốn hiểu bản chất xã hội truyền thống Việt Nam phải bắt đầu từ nghiên cứu cấu trúc gia đình. Tác giả nghiên cứu cấu trúc gia đình trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, nhất là giữa cha mẹ và con cái, trong mối quan hệ về sở hữu tài sản và quyền thừa kế. Từ gia đình, tác giả mở rộng nghiên cứu những mối quan hệ phức tạp với làng và Nhà nước để khám phá những đặc điểm của xã hội truyền thống Việt Nam trong mối ảnh hưởng và tác động qua lại giữa Nhà nước, pháp luật, hệ tư tưởng Nho giáo với sức sống bền bỉ của truyền thống gắn liền với phong tục, tập quán lâu đời của nhân dân. Mối quan hệ nhà-làng-nước đó chính là hệ thống cấu trúc nền tảng của xã hội Việt Nam truyền thống.