Phương thức bảo tồn và chuyển giao gia sản con người, trí tuệ và tài chính qua các thế hệ. Chúng tôi tin rằng cuốn sách này sẽ hữu ích cho các gia đình, nhất là khi họ nghĩ về sự thành công hiện tại của họ đến từ đâu và còn đang băn khoăn về sự chuyển giao để di sản của bản thân cũng như gia đình - không chỉ tiền bạc mà cả những gia sản vô hình khác - bền vững lâu dài theo thời gian.
Thịnh Vượng Gia Tộc
Tên sách gốc: Complete Family Wealth
Tác giả: James E. Hughes, Jr. Susan E. Massenzio, Keith Whitaker
Dịch giả: Vũ Trọng Đại, Nguyễn Thanh Minh
Khổ sách: 16x24 cm
Số trang: 276
Nhà xuất bản:Dân Trí
Đơn vị phát hành: Công ty Cổ Phần Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES)
Thời gian phát hành: dự kiến cuối T3/2024
Giá bìa: Bìa mềm: 199.000 đồng
Bìa cứng: 399.000 đồng
=========================
THÔNG TIN TÁC GIẢ
James E. Hughes Jr.
Là một luật sư đã nghỉ hưu, một công dân của Aspen, Colorado, Jay là tác giả/đồng tác giả của các cuốn sách: Thịnh vượng gia tộc: Giữ gìn điều đó trong gia tộc (Family Wealth: Keeping it in the family), Gia đình: Khế ước giữa các thế hệ (Family: The Compact among generations), Chu trình ban tặng: Thịnh vượng và sự khôn ngoan của gia tộc (Cycle of the gift: family wealth & wisdom), Tiếng nói của thế hệ con cháu: Thịnh vượng và sự khôn ngoan của gia tộc (Voice of the rising generation: Family wealth and wisdom), Tín thác gia đình: Hướng dẫn cho người thụ hưởng, người được ủy thác, người bảo vệ tín thác và người tạo lập tín thác (Family trusts: A guide for beneficiaries, trustees, trust protectors and trust creators) cũng rất nhiều bài báo về quản trị gia đình và giữ gìn thịnh vượng.
Jay là người sáng lập một công ty luật ở thành phố New York và từng phát biểu tại vô số các hội nghị chuyên đề trong nước và quốc tế liên quan đến chủ đề bảo toàn sự thịnh vượng của gia tộc được miêu tả trong câu nói “không ai giàu ba họ” và về vốn định tính của các gia đình đang phát triển.
Jay là một thành viên trong rất nhiều các ủy ban từ thiện và là thành viên của ban biên tập của rất nhiều tạp chí chuyên đề. Ông tốt nghiệp Trường Far Brook – giảng dạy thông qua nghệ thuật, Trưởng Pingry, Đại học Princeton và Trường Luật Columbia.
Susan E. Massenzio
Susan là nhà tâm lý học luôn coi sự thông thái là điểm cốt lõi để tư vấn cho khách hàng. Bà là đồng sáng lập và đồng chủ tịch của Wise Counsel Reserach – một viện nghiên cứu và tư vấn. Bà là đồng tác giả của cuốn Chu trình ban tặng và Tiếng nói của thế hệ con cháu.
Susan có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho các nhà điều hành cấp cao, các đội nhóm lãnh đạo của các công ty dịch vụ tài chính toàn cầu và những người đứng đầu công việc kinh doanh của gia đình. Bà giúp các công ty phát triển các nhà điều hành nhiều tiềm năng, lên kế hoạch kế thừa vai trò lãnh đạo và dẫn dắt các nhà lãnh đạo chủ chốt vào các vai trò mới. Bà giúp các lãnh đạo gia đình tạo được ảnh hưởng tích cực nhờ việc nâng cao giao tiếp, khả năng ra quyết định, bồi dưỡng thế hệ kế tiếp và hoạt động từ thiện.
Susan đã làm việc nhiều năm với vai trò bác sĩ tâm lý cao cấp cho Dịch vụ Tài chính John Hancock, phó chủ tịch cao cấp tại Wells Fargo, Giáo sư – Giám đốc chương trình tại Đại học Northeastern.
Susan có học vị Tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Northwestern và Cử nhân xã hội học và giáo dục tại Trường Cao đẳng Simmons.
Keith Whitaker
Keith là một nhà giáo dục, đồng sáng lập và đồng chủ tịch của Wise Counsel Research - một trung tâm nghiên cứu và tư vấn. Ông là đồng tác giả cuốn sách Thịnh vượng và ý định của Chúa (Wealth and the will of God), Tiếng nói của thế hệ con cháu; Tín thác gia đình (Family trusts) và Trí tuệ thịnh vượng: 50 câu hỏi các gia tộc thịnh vượng thường đặt ra (Wealth of wisdom: The Top 50 questions wealthy family ask). Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết về lĩnh vực triết học chính trị kinh điển.
Keith có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn với các cố vấn và lãnh đạo của các doanh nghiệp gia đình. Ông giúp các gia đình lên kế hoạch thừa kế, phát triển tài năng cho thế hệ sau và trao đổi về việc lập kế hoạch di sản. Với nền tảng về giáo dục và hoạt động từ thiện, ông giúp các lãnh đạo gia đình hiểu rõ hơn giá trị và mục tiêu của mình cũng như việc làm sao để có ảnh hưởng tích cực với thế giới xung quanh mình.
Keith là giám đốc quản lý tại Wells Fargo – nơi ông thành lập sáng kiến Rèn luyện Động lực Gia đình (Family Dynamics Practice). Ông còn là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thịnh vượng và Hoạt động từ thiện và là giáo sư trợ giảng triết học tại Đại học Boston.
Keith là chủ tịch của Hiệp hội Học giả quốc gia. Ông có bằng tiến sĩ ngành Tư duy xã hội của Đại học Chicago, Cử nhân và Thạc sĩ Kinh điển và Triết học tại Đại học Boston.
=========================
TÓM TẮT NỘI DUNG
Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất
Cuốn sách này chắt lọc nội dung cốt lõi từ các cuốn sách trước của chúng tôi: Thịnh vượng gia đình (Family Wealth, 1997 và 2004), Gia đình: Khế ước giữa các thế hệ (Family: The Compact Among Generations, 2007), Chu trình của ban tặng (Cycle of the Gift, 2014), Tiếng nói của thế hệ đang lên (Voice of the Rising Generation, 2015) và Quỹ tín thác gia đình (Family Trusts, 2016). Nó cũng chứa những hiểu biết sâu sắc mà chúng tôi từng chia sẻ trên hàng loạt bài báo, sách trắng, bài đăng trên blog, cũng như trong những dịp thuyết trình trước hàng trăm khán giả. Chúng tôi đánh giá cao tất cả những điều mà mình học hỏi được từ nhiều độc giả đã nhận xét, bình luận về sách vở, bài viết trên blog và cả những ai đã tham dự các sự kiện trên.
Mỗi chương trong cuốn sách Thịnh vượng gia tộc đều gắn kết với các chương khác thông qua những chủ đề và khái niệm; đồng thời mỗi chương cũng có thể đọc tách rời. Các bạn có thể thoải mái chọn đọc bất kỳ chương nào, dựa trên chủ điểm có ý nghĩa quan trọng nhất với bạn và gia đình.
Trong Thịnh vượng gia tộc, chúng tôi tìm cách trình bày những ý tưởng và thực hành có ý nghĩa lâu dài. Đó là những quan điểm sâu sắc và những hành động có thể tạo nên sự khác biệt tích cực thực sự cho đời sống của các gia đình trong dài hạn.
Dưới đây là một vài nguyên tắc dài hạn đó, sẽ được phản ánh đầy đủ hơn trong các chương sách:
Mục đích không phải là “làm vô hiệu câu tục ngữ ‘không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời’ để nhằm giữ gìn vốn tài chính trong gia đình. Vốn tài chính là quan trọng. Thế nhưng việc viện dẫn câu tục ngữ này có thể khiến nhiều độc giả nghĩ rằng chúng tôi dành sự chú ý cho vốn định tính chỉ gắn với vốn tài chính. Ngược lại mới là đúng.
Tuy chủ đề của chúng ta là về thịnh vượng “gia đình”, nhưng sự thịnh vượng này dựa trên các thành viên gia đình riêng lẻ. Mối quan hệ giữa họ có ý nghĩa trọng yếu, song sự vững mạnh của mối quan hệ này cũng như gia đình phụ thuộc vào sự vững mạnh của mỗi cá nhân liên quan.
Trong khi “việc quản trị” (ra quyết định chung) có ý nghĩa quan trọng và đôi lúc bị bỏ qua, thì việc nhấn mạnh quá nhiều vào quản trị có thể dẫn đến tình trạng áp đặt “những kiểu cách” lên gia đình và làm cho nó không thể “hoạt động” được. Đôi khi các nhà tư vấn có thể trao cho gia đình bản dự thảo gia quy, việc làm này dễ dàng hơn so với việc giúp họ chung sống tốt đẹp. Thế nhưng việc soạn thảo gia quy, cho dù nó có được chấp nhận, cũng cần phục vụ được cho việc chung sống trong gia đình.
Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai
Lần xuất bản mới này của cuốn sách Thịnh vượng gia tộc chứa đựng một số thay đổi đáng chú ý.
Chúng tôi đã cập nhật thêm những bàn luận về vốn định tính trong chương đầu tiên để phản ánh tư duy mới mẻ nhất trong lĩnh vực này, phân ra thành năm loại gia sản phi tài chính: con người, di sản, các mối quan hệ gia đình, cấu trúc và xã hội. Chúng tôi cũng đưa vào chương này những suy nghĩ của mình về cách thức mà các gia đình có thể đầu tư vào hình thức vốn quan trọng nhất này và làm sao có thể đo lường tác động của việc đầu tư ấy.
Sau khi nhận được nhiều phản ánh và thảo luận với những người được hưởng lợi, chúng tôi đã bổ sung một chương mới với tên gọi là “sự tiết lộ lớn”, đó chính là thời điểm mà những người nhận gia sản được cho là đã được khai mở về sự thịnh vượng tài chính hiện tại hoặc tương lai của họ. Thời điểm này hiện ra rõ rệt trong tâm trí của các bậc cha mẹ, nhưng trên thực tế, thứ xảy ra tiếp theo – bỏ chạy, chiến đấu, đóng băng hoặc hưng thịnh – mới làm nên sự khác biệt. Chúng tôi đưa ra những khuyến nghị về cách để gia tăng cơ hội cho khả năng cuối cùng trong số đó.
Trong số những thứ được bổ sung, có một thứ xuất hiện thường xuyên đến mức chúng tôi đã thêm một chương dành cho việc bảo tồn ngôi nhà nghỉ dưỡng thân thương của gia đình, và chúng tôi cũng bổ sung hai phụ lục: một phụ lục trình bày chi tiết về “Chương trình Khóa học Ủy thác” dành cho những gia đình có mong muốn nâng cao việc học tập (và cuộc sống) của những người được ủy thác, cũng như những người thụ hưởng của họ; và phụ lục còn lại thảo luận về “Những biện pháp thực hành chủ yếu dành cho gia đình trong giai đoạn khó khăn”, xuất phát từ công việc của chúng tôi với các gia đình trong giai đoạn đại dịch, nhưng những bài học của giai đoạn này cũng có thể áp dụng cho bất kỳ thách thức nào mà các gia đình có thể phải đối mặt trong cuộc sống.
Cuối cùng, có lẽ thay đổi lớn nhất trong lần xuất bản này nhưng cũng là thay đổi nhỏ nhất: việc bao hàm cụm từ “thịnh vượng” (well-being) trên trang bìa và ở những điểm mấu chốt trong nội dung sách. Lâu nay, chúng tôi đã luôn tin vào tầm quan trọng của việc tìm hiểu nguyên gốc của từ “giàu có” (wealth), bắt nguồn từ “hạnh phúc” (weal), với ý nghĩa ban đầu chính là “thịnh vượng” (well-being). Kinh nghiệm hàng thập kỷ của chúng tôi trong việc giúp đỡ các gia đình đã thuyết phục chúng tôi rằng, có lẽ điều đáng giá nhất mà một gia đình có thể làm là nâng cao hiểu biết của họ về thế nào là giàu có từ tài chính sang thịnh vượng – tất cả những gì mà chúng ta viết, nói và làm đều cần xuất phát từ sự tái định hướng này trong ý thức.