Cuốn sách Học cách lạc quan của GS Martin Seligman. Ảnh: TIMES.
Dịch giả Trần Xuân Hải cho biết, chính cuốn sách Học cách lạc quan của giáo sư tâm lý học Martin Seligman đã giúp anh thoát khỏi căn bệnh trầm cảm.
Giáo sư người Mỹ Martin Seligman được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tâm lý học tích cực và là một trong những nhà tâm lý học có ảnh hưởng nhất thời đại. Seligman còn là một nhà văn và tác giả nổi tiếng của những cuốn sách thành công bàn về chủ đề khoa học hạnh phúc. Đáng chú ý là Khoa học hạnh phúc – bộ sách không chỉ tác động đến lĩnh vực tâm lý học mà còn ở nhiều mặt khác như khoa học, giáo dục, văn hóa… Bộ sách gồm 3 cuốn: Thăng hoa, Hạnh phúc đích thực và Học cách lạc quan.
Trong đó, Học cách lạc quan nhấn mạnh vào bài học: Mỗi cá nhân hãy phát huy thế mạnh của bản thân để đánh giá và xử lý những tình huống khác nhau. Cuốn sách đi sâu vào nhiều khía cạnh trong cuộc sống và không mang tính lý thuyết đơn thuần vì nó chứa đựng dày đặc các câu hỏi, khảo sát, đánh giá để người đọc tự đưa ra kết luận, có tính ứng dụng rất cao trong đời sống.
Đặc biệt, cuốn sách được đánh giá là sẽ giúp thay đổi cách nghĩ của người đọc để chuyển hóa cuộc đời bằng những năng lượng tích cực. Những kỹ năng ông nêu ra có thể giúp phá vỡ trầm cảm, tăng cường hệ thống miễn dịch, phát triển tiềm năng tốt hơn và khiến bạn hạnh phúc hơn.
Dịch giả Trần Xuân Hải – người chuyển ngữ cuốn Học cách lạc quan chia sẻ: "Năm 2008, tôi phát hiện mình bị trầm cảm nhờ một người anh thân thiết nhận ra. Vào lúc đó, cả anh ấy và tôi đều đang là cấp giám đốc điều hành những doanh nghiệp đang trên đà thành công, chiếm thị phần vững chắc. Tôi đang có người yêu – là một kiến trúc sư tài năng và xinh đẹp – cũng là người thiết kế và đang xây căn nhà mà sau này thành tổ ấm của chúng tôi, cùng hai đứa con trai dễ thương… Dù đang thành công, tâm trí mỗi ngày của tôi phần lớn chỉ tập trung vào mong muốn xin nghỉ việc…". Sau đó, nhờ đọc được cuốn sách Học cách lạc quan, anh đã khỏi căn bệnh trầm cảm trong giai đoạn đó. Đó là động lực để anh dịch cuốn sách sang tiếng Việt.
Mới đây, tại sự kiện với chủ đề "Chữa lành những điều tiêu cực có thực sự mang lại hạnh phúc?" được tổ chức tại Hà Nội nhân dịp ra mắt cuốn sách Học cách lạc quan, các diễn giả đã chia sẻ nhiều vấn đề về góc nhìn của nhà khoa học Martin Seligman cũng như khái niệm "Trường học hạnh phúc".
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: TIMES.
Diễn giả Vũ Trọng Đại – đại diện đơn vị xuất bản TIMES, cho biết, ông bắt đầu nghĩ đến khái niệm này từ khi nhận được lời mời tham dự Hội nghị quốc tế "Trường học hạnh phúc" (tổ chức tại Huế vào tháng 4/2023). Tìm về căn nguyên của Hội nghị, ông Đại biết được đây là chủ đề do UNESCO xây dựng nên. Những tên tuổi nổi tiếng như Aristoteles, Khổng Tử, Thích Ca Mâu Ni… đều đã từng bàn về khái niệm hạnh phúc và cách tư duy để có được hạnh phúc… "Tất cả các dữ liệu đó khiến tôi đặt ra câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Tại sao xã hội lại quan tâm đến nó như thế trong thời điểm này?", ông Đại nêu.
Theo ông Vũ Trọng Đại, cơ sở lý luận để đề ra khung trường học hạnh phúc của UNESCO dựa trên 3 trụ cột, trong đó 2 trụ cột là về học tập suốt đời (học để biết mình là ai, học để chung sống) và 1 trụ cột chính là dựa trên nghiên cứu về Tâm lý học tích cực của giáo sư Martin Seligman.
Trong khi đó, diễn giả Phạm Thị Minh Đức – nhà thực hành chuyên nghiệp về gia đình và làm cha mẹ - người đã theo học tại Mỹ trong đúng thời điểm đất nước này trải qua đợt dịch Covid-19 với nhiều biến động. Bà đã chứng kiến người dân Mỹ trải qua đại dịch với sự trầm cảm như thế nào.
"Quay trở về Việt Nam đúng thời điểm lockdown, bạn bè và người thân của tôi cũng đang trải qua giai đoạn lo âu, thay đổi chất lượng cuộc sống do đại dịch. Khi đó, cụm từ "chữa lành" bắt đầu trở nên phổ biến. Chúng ta hiểu rằng, về mặt thể chất, nếu bị thương thì cần phải chạy chữa. Về mặt cảm xúc cũng vậy, khi bị tổn thương thì rất cần phương pháp cải thiện để cuộc sống trở nên tích cực hơn. Và cuốn sách Học cách lạc quan chính là một trong những phương pháp hữu hiệu đó", chuyên gia Minh Đức cho hay.
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.